preloader

THỪA CÂN, BÉO PHÌ GÂY RA NHỮNG BỆNH GÌ? NGUY CƠ BÉO PHÌ BẠN CẦN NHẬN BIẾT NGAY

  • Home
  • -
  • Khoa Dinh Dưỡng
  • -
  • THỪA CÂN, BÉO PHÌ GÂY RA NHỮNG BỆNH GÌ? NGUY CƠ BÉO PHÌ BẠN CẦN NHẬN BIẾT NGAY
THỪA CÂN, BÉO PHÌ GÂY RA NHỮNG BỆNH GÌ? NGUY CƠ BÉO PHÌ BẠN CẦN NHẬN BIẾT NGAY

1. BÉO PHÌ LÀ GÌ?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa thừa cân và béo phì là sự tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện béo phì được xem là bệnh mạn tính, đòi hỏi phải theo dõi, kiểm soát và điều trị béo phì lâu dài.

Theo nghiên cứu do tạp chí y khoa Lancet thực hiện cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 1 tỉ người trên thế giới đang mắc bệnh béo phì, tương đương cứ 8 người thì có 1 người béo phì. Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân, béo phì cũng càng tăng nhanh, theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành hiện nay là 6,6%.

Chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index) một công cụ được sử dụng để đo lượng mỡ dựa trên chiều cao và cân nặng. Đây là chỉ số được áp dụng để phân loại thừa cân và béo phì. BMI chuẩn được tính theo công thức: khối lượng cơ thể (kilogam) chia cho bình phương chiều cao cơ thể (mét), đơn vị kg/m². Với người trưởng thành, chỉ số khối cơ thể BMI được xác định như sau:  

  • Chỉ số BMI dưới 18,5: thiếu cân.
  • Chỉ số BMI từ 18,5 đến dưới 25: bình thường.
  • Chỉ số BMI từ 25 đến dưới 30: thừa cân.
  • Chỉ số BMI từ 30 trở lên: béo phì.

2. NGUYÊN NHÂN GÂY THỪA CÂN, BÉO PHÌ?

Có nhiều nguyên nhân gây thừa cân, béo phì:

  • Di truyền: những nghiên cứu gần đây cho thấy béo phì có sự xuất hiện của gen di truyền (di truyền đa gen). 
  • Thói quen sống không lành mạnh: ăn uống các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao, thức ăn nhanh, tiêu thụ ít trái cây và rau quả, lười vận động,… 
  • Tuổi tác: béo phì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khi cơ thể già đi, nội tiết tố thay đổi và lối sống ít vận động dễ làm tăng nguy cơ béo phì. Ngoài ra, lượng cơ bắp trong cơ thể có xu hướng giảm dần theo tuổi tác, từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất dẫn đến tăng cân. 
  • Thai phụ: trọng lượng cơ thể tăng lên trong thời gian mang thai và khó giảm sau sinh.
  • Người mắc một số bệnh: hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng Prader-willi, hội chứng Cushing, suy giáp hay viêm xương khớp (OA),…

BÉO PHÌ GÂY RA NHỮNG BỆNH GÌ?

Không như người bình thường, người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc những bệnh mạn tính như: cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường,…

1. Tim và đột quỵ

Béo phì có liên quan mật thiết với bệnh tim. Người béo phì có huyết áp cao, lượng đường và cholesterol bất thường, đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu não, đột quỵ. Một đánh giá năm 2010 của 25 nghiên cứu, thu hút 2,3 triệu người tham gia cho thấy, béo phì có thể gây đột quỵ đến 64%. 

2. Bệnh tiểu đường type 2

Béo phì khiến hormone insulin hoạt động không hiệu quả. Lúc này, tuyến tụy sẽ sản sinh nhiều insulin hơn. Nếu tình trạng kéo dài, việc sản sinh insulin của tuyến tụy giảm khiến bệnh nhân dễ mắc bệnh tiểu đường type 2. Một nghiên cứu cho thấy, nam giới béo phì có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao gấp 7 lần người bình thường, trong khi tỷ lệ này ở nữ là 12. 

3. Ung thư

Thừa cân và béo phì có liên quan đến 13 loại ung thư khác nhau như: vú, túi mật, tuyến tụy, thận, cổ tử cung,… Những bệnh này chiếm 40% trong tất cả các ung thư được chẩn đoán.

4. Bệnh túi mật

Túi mật chịu trách nhiệm chứa, dự trữ dịch mật do gan tổng hợp và bài tiết. Người béo phì có lượng cholesterol cao hoặc túi mật hoạt động không tốt khiến mật tích tụ và cứng lại hình thành sỏi. 

5. Viêm xương khớp

Béo phì gây ra một loạt các bệnh về cơ xương khớp ở người trưởng thành. Trọng lượng cơ thể quá nặng có thể làm tăng áp lực gây đau đầu gối, hông và bàn chân. Đồng thời, hạn chế khả năng vận động, dễ chấn thương khớp. Chất béo dư thừa tạo ra một số chất trung gian gây viêm, ảnh hưởng đến các mô khớp, làm tình trạng đau nhức thêm trầm trọng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) dẫn chứng, cứ 3 người béo phì có 1 trường hợp viêm xương khớp. Tăng 5kg cân nặng, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối tăng lên 36%. 

6. Bệnh gout

Bệnh gout (hay thống phong) một dạng viêm khớp phổ biến. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc gout, bởi có nhiều mô, cơ luân chuyển, đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều acid uric dưới dạng chất thải chuyển hóa. Bình thường, chỉ số acid uric trong máu được duy trì một cố định, ở nam là 210 – 420 umol/L và 150 – 350 umol/L với nữ. Khi thận không đào thải được hoặc cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gout. 

Người bệnh gout phải chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo đó là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được. 

7. Bệnh tiêu hóa

Béo phì gắn liền với những bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Theo đó, người béo phì dễ mắc sỏi mật, chức năng gan suy giảm, ruột nhiễm mỡ. Chất béo dư thừa có thể gây hại hoặc khiến các mô sẹo phát triển dẫn đến xơ gan. Lượng mỡ tích tụ nhiều gây bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh thường không có triệu chứng, lâu dần dẫn đến suy gan.   

8. Vô sinh

Béo phì ảnh hưởng đến hoạt động nội tiết của cơ thể, trong đó có những hormone quan trọng cho sức khỏe tình dục và sinh sản. Thống kê cho thấy, phụ nữ từ 18 – 40 tuổi, hàm lượng chất béo trong cơ thể vượt quá 10% – 15% có thể gây suy giảm chức năng hoạt động của buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai, đồng thời, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Đây là những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nữ. 

Với nam giới, béo phì cũng gây một số ảnh hưởng như: giảm hormone testosterone (hormone sinh dục nam), rối loạn cương dương, vô sinh,…

9. Biến chứng béo phì khi mang thai

Béo phì khi mang thai có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, thai nhi và sự phát triển của trẻ sau này. 

Béo phì ở phụ nữ mang thai có thể gặp những biến chứng như: sảy thai, sinh non, thai chết lưu, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ,… Một nghiên cứu cho thấy, hơn 60% phụ nữ có chỉ số BMI trên 40 mắc một trong những biến chứng trên khi mang thai. Với thai nhi, trẻ sinh ra có thể bị rối loạn chuyển hóa, mỡ máu cao,…

10. Tác động đến tâm lý

Béo phì với thân hình quá khổ khiến người bệnh tự ti khi giao tiếp, khép mình, kém chủ động, hiệu quả công việc thấp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, người béo phì dễ bị tác động tâm lý và có nguy cơ mắc trầm cảm cao.

Béo phì ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?

Béo phì đe dọa rất lớn đến sức khỏe người cao tuổi. Càng lớn tuổi, quá trình chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể giảm, khả năng tiếp nhận năng lượng của người già sẽ ít hơn. Tốc độ chuyển hóa giảm làm chậm quá trình bài tiết các enzym tiêu hóa, từ đó gây thiếu hụt một số vi chất như vitamin B12 (một loại vitamin có tác dụng chuyển hóa mỡ thành năng lượng), điều này làm cho người cao tuổi dễ béo phì.

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đạm, giàu chất dinh dưỡng nhưng lại ít vận động, sử dụng các sản phẩm như: sữa ong chúa, nhau thai cừu cũng là nguyên nhân gây béo phì ở người cao tuổi.

Tim mạch là mối nguy hại hàng đầu, đe dọa đến sức khỏe của người cao tuổi. Những biến chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim có thể khiến người già tử vong nếu không được can thiệp sớm. 

Để được tư vấn thêm về bệnh lý thừa cân, béo phì cũng như chế độ dinh dưỡng cho các bệnh nhân đang gặp tình trạng này bởi các Bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện đa khoa Hưng Hà, Quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Hotline: 1800 556 815 (Miễn phí cuộc gọi).

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà có mấy cơ sở?

SilverPlay article