Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là một trong những nhóm thuốc được kê đơn và sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng với tỷ lệ lạm dụng cao. PPI có hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng gây ra do tăng tiết acid dịch vị và nhìn chung được dung nạp khá tốt, ít tác dụng không mong muốn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, không nên kê đơn PPI vô thời hạn mà không đánh giá lại người bệnh do có nhiều tác dụng phụ đã được báo cáo liên quan đến PPI khi sử dụng dài ngày.
Các chỉ định của PPI
– Điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), bao gồm cả bệnh thực quản Barrett.
– Dự phòng loét dạ dày – tá tràng liên quan đến NSAID trên những bệnh nhân sử dụng NSAID có nguy cơ cao gặp tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa (bao gồm: tuổi cao > 65 tuổi; tiền sử gặp phản ứng có hại với NSAID; sử dụng đồng thời với các thuốc có thể làm tăng cường tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa, như thuốc chống đông, thuốc chống kết tập tiểu cầu hay corticosteroid)
– Điều trị loét dạ dày tá tràng
– Diệt H. pylori (phối hợp với kháng sinh)
– Điều trị hội chứng Zollinger – Ellison
Các tác dụng không mong muốn khi dùng PPI
Nhìn chung, PPI là một nhóm thuốc an toàn, ít tác dụng phụ khi dùng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi được sử dụng dài ngày, PPI lại có thể gây ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng:
– Tăng nguy cơ nhiễm trùng:
Tác dụng ức chế tiết acid dịch của PPI làm tăng nguy cơ nhiễm trùng từ các căn nguyên ở đường tiêu hóa hay hô hấp dù nguy cơ khá thấp. Nguy cơ cao hơn được cho là do giảm tác dụng bảo vệ dạ dày của “bức tường acid”, khiến các mầm bệnh sống có thể di chuyển lên hoặc xuống trong đường tiêu hóa và xâm lấn đường hô hấp dưới.
Một phân tích gộp gồm 12 nghiên cứu, bao gồm gần 3000 bệnh nhân cho thấy điều trị ức chế tiết acid làm tăng nguy cơ nhiễm Clostridium difficile. Nguy cơ này tăng 1,7 lần khi dùng PPI 1 lần/ngày và tăng 2,4 lần nếu dùng nhiều hơn 1 lần/ngày. Sáu nghiên cứu đã phát hiện nguy cơ nhiễm Samonella, Campylobacter và Shigella tăng cao hơn 3 lần ở bệnh nhân dùng PPI.
– Viêm thận kẽ cấp tính liên quan đến PPI
Từ năm 1992, các trường hợp liên quan giữa việc sử dụng PPI trong thời gian dài và tổn thương viêm thận kẽ cấp tính đã được báo cáo. Hơn 1 nửa số bệnh nhân bị viêm thận kẽ cấp tính không hồi phục hoàn toàn, từ đó tiến triển thành các bệnh thận mãn tính (CKD). Các triệu chứng và dấu hiệu gợi ý viêm thận kẽ bao gồm: sốt, nổi ban, tăng bạch cầu ái toan, khó chịu, đau cơ, đau khớp, giảm cân, thay đổi lượng nước tiểu, đái ra máu hoặc mủ có kèm hoặc không kèm theo tăng huyết áp.
PPI thường được dùng với chỉ định phòng ngừa loét dạ dày – tá tràng liên quan đến NSAID, trong khi đó nguy cơ gây độc thận do NSAID cũng được biết đến khá rõ về nguy cơ gây độc thận. Do đó, cần chú ý hơn khả năng viêm thận kẽ ở bệnh nhân đang sử dụng NSAID có xuất hiện các triệu chứng này. Các yếu tố nguy cơ gây viêm thận kẽ khác bao gồm kháng sinh beta lactam (penicilin, cephalosporin), sulfonamid, thuốc lợi tiểu, bệnh lý nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch hoặc ung thư.
– Dùng PPI kéo dài liên quan đến tăng nhẹ nguy cơ gãy xương:
Độ pH thấp trong dạ dày tạo điều kiện giải phóng canxi ion hóa từ muối canxi không hòa tan. Sử dụng PPI lâu dài có liên quan đến việc giảm hấp thu canxi qua đường ruột (có thể giảm đến 41% sự hấp thu canxi sau liệu trình 14 ngày điều trị bằng omeprazol), dẫn đến làm giảm mật độ xương và gãy xương.
Ủy ban Phản ứng có hại của thuốc New Zealand (MARC) lưu ý rằng mối liên quan giữa sử dụng PPI và nguy cơ gãy xương trong phần lớn các nghiên cứu là nhỏ và hiện chưa cần có biện pháp can thiệp quản lý nào liên quan đến nguy cơ này. Một nghiên cứu trên 15.000 trường hợp gãy xương liên quan đến loãng xương phát hiện tăng tỷ lệ gãy xương hông ở bệnh nhân sau 5 năm dùng PPI và nguy cơ tăng thêm nếu tiếp tục điều trị trong 7 năm. Bệnh nhân dùng PPI nhiều hơn 7 năm cũng tăng nguy cơ gãy xương không phải xương hông.
Tăng nguy cơ loãng xương nên được cân nhắc ở phụ nữ sau mãn kinh sử dụng PPI kéo dài, đặc biệt nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác, như tiền sử gia đình có người bị loãng xương hoặc sử dụng corticoid kéo dài. Khi đó, có thể làm giảm nguy cơ này bằng cách dùng PPI ở liều thấp nhất có hiệu quả, hoặc dùng “khi cần” nếu phù hợp.
– Liên quan giữa PPI và khối u ác tính đường tiêu hóa
Bởi vì PPI làm giảm tiết acid dạ dày nên việc tăng nồng độ gastrin nên có tác dụng tăng sinh đối với sự phát triển của các tế bào enterochromaffin, điều này giải thích mối liên quan của PPI với sự phát triển của khối u thần kinh nội tiết và ung thư biểu mô đường tiêu hóa. Một cơ chế liên quan khác là PPI làm giảm tính acid trong dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn H. Pylori phát triển mạnh mẽ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng giảm acid và tăng gastrin trong máu làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở vị trí thân vị và đáy vị.
– Các tác dụng không mong muốn khác liên quan đến sử dụng PPI kéo dài, bao gồm: kém hấp thu các chất dinh dưỡng (canxi, sắt,..), hạ magnesi máu, thiếu hụt vitamin B12.
Tóm lại, PPI được sử dụng rộng rãi và hiệu quả để điều trị các bệnh lý liên quan đến rối loạn tiết acid, việc sử dụng PPI trong thời gian ngắn là tương đối an toàn, ít tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, PPI dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến những nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Chính vì vậy, PPI cần được chỉ định đúng về liều dùng và thời gian sử dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cảnh giác dược: http://magazine.canhgiacduoc.org.vn/Magazine/Details/133
- Megan Jaynes, Avinash B. Kumar, The risks of long-term use of proton pump inhibitors: a critical review, The Adv Drug Saf, 2019
- Marcel Yibirin, Diana De Oliveira, Roberto Valera, Andrea E Plitt, Sophia Lutgen, Adverse Effects Associated with Proton Pump Inhibitor Use, Coreus, 2021
- Abdelwahab Ahmed; John O. Clarke, Proton Pump Inhibitors (PPI), Pubmed, 2023
- Dr Jason Hill, Proton pump inhibitors: When is enough, enough?, Best Practice Journal, 2014