Tiểu đường là một trong những bệnh lý mãn tính phổ biến, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để kiểm soát tốt đường huyết và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố then chốt.
Dưới đây là những lời khuyên từ Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà, giúp bạn duy trì sức khỏe tốt và kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả.
1. Chọn Carbohydrate phức hợp
Thay vì các loại đường đơn và thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế, hãy ưu tiên các loại carbohydrate phức hợp như gạo lứt, bánh mì nguyên cám, và các loại hạt. Những loại thực phẩm này giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn và cung cấp năng lượng bền vững cho cơ thể.
2. Ăn nhiều rau xanh
Rau xanh và trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho người tiểu đường. Đặc biệt, hãy ăn rau xanh đầu bữa ăn để hạn chế tăng đường huyết nhanh sau bữa ăn.
Nên trái cây sau bữa ăn, hãy chọn các loại ít đường như táo, lê, và các loại quả mọng. Hạn chế tiêu thụ trái cây có chỉ số đường huyết cao như xoài, nhãn, hay dưa hấu.
3. Hạn chế chất béo bão hòa và đường
Người tiểu đường cần hạn chế chất béo bão hòa có trong thịt mỡ, bơ, và các sản phẩm từ sữa nguyên kem. Thay vào đó, hãy sử dụng chất béo không bão hòa từ dầu oliu, dầu hạt cải, hay các loại cá béo như cá hồi, cá thu.
4. Hạn chế muối
Việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây tăng huyết áp, một vấn đề thường gặp ở người tiểu đường. Hãy hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, và sử dụng gia vị thảo mộc thay cho muối khi nấu ăn.
5. Kiểm soát khẩu phần ăn
Kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào cơ thể là chìa khóa giúp quản lý đường huyết hiệu quả. Sử dụng các công cụ đo lường hoặc theo dõi khẩu phần ăn để tránh việc ăn quá nhiều, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu carbohydrate.
6. Uống đủ nước
Nước là yếu tố quan trọng giúp cơ thể hoạt động hiệu quả và hỗ trợ quá trình chuyển hóa. Người tiểu đường cần uống đủ nước hàng ngày để giúp thải loại độc tố và duy trì lượng đường trong máu ổn định.
7. Lưu ý khi sử dụng thuốc
Ngoài chế độ dinh dưỡng, việc tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ cũng rất quan trọng. Hãy trao đổi với bác sĩ về mọi thay đổi trong chế độ ăn uống để đảm bảo sự phù hợp và an toàn với liệu trình điều trị.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Trang nhấn mạnh rằng, mỗi người bệnh tiểu đường sẽ có nhu cầu dinh dưỡng và khuyến cáo khác nhau. Vì vậy, việc tham khảo ý kiến bác sĩ và xây dựng một kế hoạch ăn uống cá nhân hóa là điều cần thiết để quản lý bệnh hiệu quả.