preloader

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA KHÔ MẮT

  • Home
  • -
  • Chuyên Khoa Mắt
  • -
  • NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA KHÔ MẮT
NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA KHÔ MẮT

Khô mắt là một bệnh lý rất thường gặp, gây ra những khó chịu tại mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc nếu không được điều trị kịp thời.

Khô mắt xuất hiện khi:

Giảm tiết nước mắt: Các tuyến lệ không sản xuất đủ lượng nước mắt cần thiết để giữ ẩm cho bề mặt nhãn cầu.

Chất lượng nước mắt kém: Màng phim nước mắt của chúng ta bình thường gồm 3 lớp: lớp lipid, lớp nước và lớp nhầy. Mỗi lớp đều có chức năng riêng trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng nhãn cầu. Khô mắt xảy ra khi nước mắt sản sinh lớp lipid không đủ khiến nước bốc hơi nhanh hoặc thiếu hụt lớp nhầy khiến nước mắt giàn không đều trên bề mặt giác mạc

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Khô mắt là tình trạng phổ biến do nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ khác nhau, trong đó có thể kể đến:

1. Tuổi cao: do quá trình lão hóa tự nhiên, khô mắt thường gặp ở người trung niên và cao tuổi

2. Giới nữ: tỷ lệ khô mắt ở nữ giới thường cao hơn ở nam giới

3. Phẫu thuật tại mắt: một số phẫu thuật trên giác mạc như phẫu thuật khúc xạ, phẫu thuật thay thể thủy tinh,..

4. Bệnh tại mắt: viêm kết mạc dị ứng, các nhiễm trùng ở mi mắt và bề mặt nhãn cầu, các bất thường ở mi (hở mi, lật mi,.), đặc biệt là khô mắt sau viêm kết mạc cấp (dịch đau mắt đỏ)

5. Bệnh toàn thân: đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, ghép chống chủ,..

6. Sử dụng thuốc kéo dài: thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc kháng histamin, thuốc kháng viêm,..

7. Sử dụng thiết bị điện tử kéo dài: nhìn màn hình máy tính, điện thoại di động, ti vi trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi có thể gây ra khô mắt do giảm tần suất chớp mắt.

8. Sử dụng kính áp tròng trong thời gian dài, không đúng cách

9. Do chế độ ăn thiếu khoa học: không cung cấp đủ các dưỡng chất như các loại vitamin, omega 3, sắt, kẽm, các chất chống oxy hóa.. và đặc biệt là thiếu Vitamin A và  khô mắt ở trẻ em có mối liên quan mật thiết với nhau.

10.  Môi trường sống: tiếp xúc lâu dài với môi trường khô hanh, ánh nắng mặt trời, không khí môi trường ô nhiễm, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá…đều có thể gây khô mắt.

CÁCH PHÒNG NGỪA

Để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ khô mắt cần chú ý những biện pháp sau:

1. Áp dụng quy tắc 20-20-20: đối với người sử dụng các thiết bị điện tử kéo dài, sau mỗi 20 phút làm việc, để mắt nghỉ ngơi 20 giây bằng cách nhìn các vật ở xa khoảng 6m

2. Giữ vệ sinh mắt: Giữ vệ sinh mắt, chườm ấm mi mắt hàng ngày, không day dụi mắt để ngăn ngừa nhiễm trùng

3. Bảo vệ mắt khỏi tác nhân môi trường: Sử dụng kính râm hoặc kính bảo hộ khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi tác động của gió, bụi, và ánh sáng mạnh.

4. Sử dụng kính áp tròng đúng cách: Tuân thủ quy định về thời gian và cách bảo quản kính áp tròng để tránh gây tổn thương cho mắt.

5. Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học: uống đủ nước mỗi ngày, ngủ đủ giấc, chế độ ăn giàu rau xanh, củ quả màu đỏ vàng, các loại cá biển giàu omega 3, không hút thuốc lá, duy trì độ ẩm không khí phù hợp,…

6. Kiểm tra mắt định kỳ: Thăm khám mắt định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý mắt.

Việc chăm sóc và bảo vệ mắt một cách hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ khô mắt, đồng thời duy trì sức khỏe mắt tốt hơn. Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường, bạn nên lựa chọn những cơ sở uy tín, có chuyên khoa Mắt cùng đội ngũ y, bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà có mấy cơ sở?

SilverPlay article