Suy giảm trí nhớ không phân biệt tuổi tác và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh tuy không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sa sút trí tuệ nặng. Vậy nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ do đâu?
Nắm vững các yếu tố căn nguyên gây nên bệnh sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả. Cùng tham khảo những thông tin tư vấn bởi Bác sĩ Đỗ Tố Uyên – Khoa Nội Tổng hợp BVĐK Hưng Hà để hiểu thêm về bệnh lý này nhé!
Suy giảm trí nhớ là gì?
Suy giảm trí nhớ là tình trạng trí nhớ và nhận thức bị kém dần do sự suy thoái của não bộ, quá trình vận chuyển thông tin và trí nhớ về vỏ não bị ngưng trệ. Bệnh sẽ tiến triển từ nhẹ đến nặng. Ban đầu, người bệnh có thể quên những việc vừa mới xảy ra. Lâu dần, tình trạng bệnh có thể trầm trọng hơn như: quên những người thân trong gia đình, dễ đi lạc, khó khăn trong việc ghi nhớ… Bệnh còn có nhiều tên gọi khác như: Suy giảm nhận thức; chứng suy giảm trí nhớ…
Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm trí nhớ. Trong đó, các yếu tố cơ bản bao gồm:
Lão hóa
Tuổi tác là yếu tố chính gây ra suy giảm trí nhớ. Khi người già già đi, não cũng trở nên chậm chạp hơn, khả năng tập trung và ghi nhớ thông tin cũng giảm đi.
Bệnh lý não
Các bệnh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, đột quỵ, tăng huyết áp và bệnh tiểu đường có thể gây ra suy giảm trí nhớ.
Stress
Stress có thể gây ra suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung. Những áp lực từ công việc, kinh tế, gia đình… dễ dẫn đến stress. Stress tác động trực tiếp lên trung tâm thần kinh nhận thức và làm giảm tốc độ phản ứng với sự vật, khiến con người khó tập trung suy nghĩ, dễ phân tán tư tưởng và giải quyết vấn đề chậm chạp. Lâu ngày làm não bộ suy giảm chức năng và trí nhớ sa sút dần.
Thiếu máu não
Thiếu máu não có thể xảy ra khi động mạch bị tắc hoặc thu hẹp, dẫn đến suy giảm khả năng tập trung và ghi nhớ.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần và thuốc giảm đau có thể gây ra suy giảm trí nhớ.
Chế độ dinh dưỡng
Ngoài các nguyên nhân chính phía trên, thiếu hụt chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm trí nhớ. Ví dụ như thiếu sắt cùng các loại vitamin khoáng chất nhóm B, vitamin B1… Thiếu sắt làm cho cơ thể mệt mỏi, da xanh cùng với những áp lực từ cộng sống làm giảm khả năng ghi nhớ. Trong khi đó, vitamin nhóm B giúp duy trì việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh. Thiếu hụt vitamin nhóm B sẽ gây ra hội chứng suy giảm trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn.
DẤU HIỆU CỦA SUY GIẢM TRÍ NHỚ
Mỗi người có thể nhận biết được tình trạng suy giảm trí nhớ của mình thông qua một số biểu hiện như:
- Nói trước quên sau, hay quên vị trí để đồ đạc, các sự kiện, vấn đề nào đó hoặc thường xuyên lặp lại một nội dung câu chuyện (không nhớ đã từng nhắc trước đó).
- Khó ghi nhớ một thông tin, sự kiện, bài học mới.
- Thiếu tập trung, lơ đãng trong công việc và học tập
- Thường xuyên thấy mệt mỏi, căng thẳng, stress, tâm trạng thay đổi thất thường, khó kiểm soát được hành vi.
- Gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch, giải các câu đố hoặc phép tính liên quan đến con số.
- Lú lẫn khi nhận thức về các mốc thời gian, các mùa hoặc vị trí mình đang ở.
- Giảm khả năng phán đoán và ra quyết định.
CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG SUY GIẢM TRÍ NHỚ
Hiện nay, chưa có loại thuốc nào chứng minh có thể chữa khỏi bệnh này. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ kết hợp một số phương pháp điều trị để cải thiện tình hình, thường là kết hợp điều trị bệnh lý, điều chỉnh tâm lý, thay đổi lối sống,…để kiểm soát, hạn chế sự phát triển của bệnh.
- Hạn chế sử dụng thuốc không cần thiết hoặc dùng theo chỉ định của bác sĩ.
- Thực hiện các bài tập thể dục thường xuyên để giúp tăng cường sức khỏe và tăng cường hoạt động của não bộ.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn nhiều rau củ, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và ít chất béo.
- Thực hiện các bài tập giải trí để giữ cho trí não hoạt động và tăng cường trí nhớ, ví dụ như chơi cờ vua, sudoku, đọc sách, học ngoại ngữ.
- Điều trị và quản lý các bệnh lý khác để giảm thiểu nguy cơ suy giảm trí nhớ.
- Thực hiện các bài tập trí não, trò chơi và hoạt động nhằm cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ của bệnh nhân.
Tất cả các biện pháp trên cần được áp dụng một cách thường xuyên và đều đặn để giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần và trí não của bạn. Bệnh suy giảm trí nhớ nếu không được phát hiện và hạn chế kịp thời sẽ chuyển biến thành sa sút trí tuệ. Khi đó, công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc nhận biết nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ cũng như các dấu hiệu ban đầu có ý nghĩa lớn đối với việc phát hiện và điều trị sớm. Ngay khi nhận thấy các “tín hiệu” cảnh báo, hãy thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời bởi các Bác sĩ chuyên khoa.
Để được tư vấn thêm về bệnh lý suy giảm trí nhớ, liên hệ ngay tới Hotline; 1800 556 815 (Miễn phí cuộc gọi).